Sau khi hoàn thiện 4 bước chuẩn bị cho một vụ cần sa hữu cơ, chúng ta sẽ bắt tay vào canh tác. Một vụ canh tác cần sa có thể được chia làm 4 công đoạn bao gồm: gieo hạt, sinh trưởng, ra hoa và thu hoạch, dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho từng công đoạn:
Bước 5: Gieo hạt
Gieo hạt không phải là công việc dễ dàng dành cho những người mới bắt đầu, tuy nhiên nếu bạn bám sát hướng dẫn này, chúng tôi tin rằng tỉ lệ nảy mầm thành công của bạn sẽ đạt gần đến mức tuyệt đối. Bạn có thể cho hạt nảy mầm bằng các phương pháp như ngâm hạt qua đêm trong nước, ủ hạt trong khăn giấy ẩm, gieo trực tiếp xuống nền đất, …v.v.. nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, các phương pháp này đòi hỏi khá nhiều kỹ năng và kinh nghiệm của người canh tác, vậy nên chúng tôi khuyến khích những người mới học canh tác sử dụng viên nén ươm hạt. Viên nén ươm hạt được làm từ xơ dừa hoặc than bùn khô ép chặt và sẽ nở ra khi ngâm nước. Sau khi nở, viên nén ươm hạt duy trì được độ ẩm vừa phải và có độ tơi xốp cao, tạo ra môi trường hoàn hảo cho hạt nảy mầm. Sử dụng viên nén ươm hạt giúp công việc gieo hạt trở nên vô cùng đơn giản, bạn sẽ không phải căn chỉnh, thử nghiệm từng chút một như những phương pháp khác và sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Để thực hiện gieo hạt bằng viên nén ươm hạt, bước đầu tiên bạn cần làm là ngâm viên nén trong nước. Hãy chuẩn bị một chậu nước nhỏ và thả các viên nén bạn cần dùng vào chậu, sau khoảng 10 phút các viên nén sẽ nở đến kích cỡ tối đa. Tiếp theo bạn cần chôn viên nén xuống chậu đất đã chuẩn bị sẵn, để hở đầu viên nén bên trên mặt đất. Sau đó hãy tạo một lỗ gieo hạt sâu khoảng 1-2cm (rất nông) trên viên nén, đặt hạt giống cần sa vào và gạt xơ dừa hoặc than bùn xung quanh xuống lỗ, lưu ý không nên nén chặt xơ dừa hoặc than bùn bên trên hạt giống để đảm bảo lưu thông không khí, bạn chỉ cần gạt nhẹ xuống lỗ để che phủ hạt giống khỏi ánh sáng. Cuối cùng là tưới ẩm chậu đất, bạn nên tưới khoảng 1 lít nước cho chậu cỡ 20 lít và chỉ tưới xung quanh viên nén, tránh tưới trực tiếp lên viên nén. Sau 3-7 ngày bạn sẽ thấy một mầm non nhú lên từ viên nén.
Lưu ý: Hạt giống và cây non rất dễ bị úng nước, vậy nên trong công đoạn này bạn chỉ cần tưới duy nhất một lần ngay sau khi gieo hạt, đừng lo hạt giống của bạn thiếu nước, viên nén sẽ liên tục hút nước từ đất xung quanh để duy trì độ ẩm an toàn cho hạt nảy mầm. Ngoài ra, nhiều người canh tác có thói quen gieo hạt vào chậu nhỏ và chuyển chậu khi cây lớn hơn để tránh úng nước, tuy nhiên theo chúng tôi, bạn nên sử dụng chậu cỡ lớn ngay từ đầu để tránh làm tổn thương bộ rễ khi chuyển chậu và chỉ tưới khi cây có bắt đầu biểu hiện héo để chống úng, rất có thể bạn sẽ không phải tưới cây trong suốt một tháng đầu tiên vì hỗn hợp đất trồng hữu cơ giữ nước rất tốt và bộ rễ sẽ liên tục phát triển và tìm đến những nơi còn nước trong đất.
Bước 6: Giai đoạn sinh trưởng
Vào giai đoạn sinh trưởng cây cần sa được chiếu sáng nhiều hơn 12 giờ/ngày (thông thường là 18/6 - 18 giờ sáng, 6 giờ tối một ngày), giai đoạn này cây tập trung phát triển cành, lá, đây cũng là giai đoạn cây hồi phục thương tổn tốt nhất nên các kỹ thuật uốn nắn, cắt tỉa thường được những người canh tác thực hiện. Giai đoạn sinh trưởng kéo dài từ khi cây nảy mầm cho đến khi chu kỳ sáng tối được chuyển thành 12/12 (12 giờ sáng, 12 giờ tối một ngày), vậy nên chúng ta có thể để cây sinh trưởng bao lâu tùy thích nếu canh tác trong nhà.
Cây sinh trưởng càng lâu thì vụ thu hoạch càng lớn, tuy nhiên thay vì để cây sinh trưởng quá lâu, bạn có thể canh tác thành nhiều vụ liên tục và đạt sản lượng cao hơn hẳn. Thời lượng hợp lý nhất cho giai đoạn sinh trưởng là khoảng 1-3 tháng, bạn sẽ có vụ thu hoạch đủ lớn mà không lãng phí quá nhiều thời gian.
Trong tháng đầu tiên, bạn sẽ thấy cây phát triển tương đối chậm, nhưng đừng lo lắng vì từ tháng thứ 2 trở đi, bạn sẽ nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt theo từng ngày, thân và cành sẽ trở nên dày dặn, lá sẽ mọc đủ ngón, và bạn sẽ thực sự cảm nhận được một cây cần sa khỏe mạnh là như thế nào. Thời điểm này bạn có thể bắt đầu thực hiện uốn nắn cây theo hình dáng mong muốn để tận dụng được tối ưu nguồn sáng. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết về các phương pháp uốn nắn cây trong một bài viết khác, và những người mới học canh tác có thể để cây phát triển một cách tự nhiên, can thiệp vào hình dáng của cây không phải là việc cấp thiết.
Cây cần sa thực sự có xu hướng phát triển nhanh chóng trong giai đoạn ra hoa và một số chủng có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba kích thước trong giai đoạn này. Điều cần thiết là phải xem xét tiềm năng phát triển này khi trồng cần sa trong nhà, đặc biệt là ở những không gian hạn chế như trồng lều.
Ví dụ: với một lều trồng trọt có kích thước thông thường (60x60x140 cm), thời gian sinh trưởng là khoảng 1-2 tháng, tùy thuộc vào kỹ thuật huấn luyện của bạn hoặc cho đến khi cây đạt chiều cao khoảng 30 cm. Sau đó, bạn có thể chuyển chu kỳ ánh sáng sang 12/12 để kích thích giai đoạn ra hoa. Bằng cách giới hạn giai đoạn sinh trưởng, bạn có thể kiểm soát kích thước của cây và đảm bảo nó không vượt quá không gian trồng trọt của bạn.
Quản lý chiều cao và kích thước của cây cần sa là điều rất quan trọng khi trồng trong nhà, vì nó giúp tối đa hóa sự phân bổ ánh sáng và luồng không khí, giúp cây khỏe mạnh hơn và năng suất cao hơn. Cũng cần lưu ý rằng một số giống cần sa phát triển nhỏ gọn và rậm rạp, khiến chúng phù hợp hơn với không gian trong nhà nhỏ hơn. Chọn giống phù hợp với điều kiện canh tác của bạn là một yếu tố quan trọng khác cần xem xét khi bắt đầu canh tác.
Bước 7: Giai đoạn ra hoa
Alice Seeds Purple Kush V3 - Feminized
Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ vòng đời của cây cần sa, giai đoạn này cũng đòi hỏi người canh tác phải thật cẩn thận. Mỗi giống cần sa sẽ có thời gian ra hoa khác nhau (thông thường khoảng 8-12 tuần), thời gian ra hoa phụ thuộc vào bộ gen của cây chứ không phụ thuộc vào người canh tác, vậy nên cây sẽ không có thời gian để phục hồi nếu gặp vấn đề như gãy cành, úng, héo, sâu bệnh hại,..v.v.
Trong 2-4 tuần đầu tiên của giai đoạn ra hoa, bạn sẽ chứng kiến tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, những tầng lá mới liên tục mọc thêm, chiều cao của cây tăng theo từng ngày, bộ rễ nhanh chóng xâm lấn toàn bộ chậu đất. Giai đoạn này cây cần sa cần rất nhiều dưỡng chất nhưng đừng lo lắng, hỗn hợp đất trồng hữu cơ của bạn đã có đủ cho cây sử dụng, bạn chỉ cần đảm bảo tưới cây thường xuyên là được vì giai đoạn này cây sẽ hút nước nhanh gấp nhiều lần giai đoạn trước. Ngoài ra bạn cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc điều chỉnh độ cao của đèn để duy trì khoảng cách giữa đèn và ngọn cây.
Những tuần tiếp theo cây sẽ phát triển búp hoa, đây chính là thứ chúng ta mong chờ. Ban đầu bạn sẽ thấy những sợi lông trắng mọc ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trên những ngọn cây, gốc của những sợi lông trắng này là các đài hoa. Sau đó các đài hoa sẽ to ra dần, chen lấn vào nhau tạo thành những búp cần quen thuộc. Những búp cần của chúng ta sẽ dần trở nên đặc hơn, cứng hơn, cùng lúc đó những sợi lông trắng đổi màu và dần biến mất, đây chính là dấu hiệu cho thấy vụ thu hoạch đang đến gần và hãy chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn này, bạn nên liên tục theo dõi và chăm sóc cây vì việc này rất quan trọng giúp bạn đạt được một vụ mùa thành công với những búp cần sa chất lượng.
Bước 8: Thu hoạch
Các hãng hạt giống cung cấp cho chúng ta thông tin về thời gian ra hoa của từng giống, chúng ta có thể dựa vào đó để xác định thời điểm thu hoạch, ví dụ khi canh tác một giống có thời gian ra hoa 9 tuần, chúng ta có thể thu hoạch khi hết tuần thứ 9 tính từ khi chuyển chu kỳ sáng tối của đèn sang 12/12, tuy nhiên đây không phải là phương pháp xác định thời điểm thu hoạch được chúng tôi khuyến nghị. Trên thực tế, thời điểm thu hoạch không bao giờ chính xác như thông tin của của hãng, thậm chí hai cây cùng một giống còn có thể có thời điểm thu hoạch khác nhau. Phương pháp xác định thời điểm thu hoạch duy nhất mà mọi người nên sử dụng là dựa vào màu của nhựa (trichomes) trên búp hoa.
Để thực hiện phương pháp này, bạn phải chuẩn bị một chiếc kính lúp cầm tay với hệ số phóng đại 40-60x. Khi dùng kính hiển vi soi búp hoa, bạn sẽ thấy trên bề mặt các đài hoa có hàng nghìn hạt nhựa li ti trông như những cây nấm, chúng có thân hình trụ và đầu hình cầu, đây chính là nơi lưu trữ những hoạt chất quan trọng của búp cần sa, màu sắc của đầu hạt nhựa giúp bạn xác định độ chín của búp hoa.
Sau đây là màu sắc của trichomes trên búp hoa cần sa theo từng giai đoạn:
Trichomes có màu trong suốt: Ở giai đoạn này, mức THC rất thấp và tạo ra hiệu ứng khá yếu. Chúng tôi khuyến nghị không nên thu hoạch ở giai đoạn này.
Trichomes có màu trắng đục: Đây là thời điểm thích hợp để thu hoạch theo phản hồi của đa số các grower. Búp hoa cần sa sẽ mang lại hiệu ứng cân bằng với hương vị và hiệu lực mạnh mẽ.
Trichomes có màu vàng, hổ phách: Nếu bạn muốn hiệu ứng an thần, thư giãn, bạn nên chờ đến khi trichomes phát triển đến giai đoạn này. Lúc này THC có trong búp hoa sẽ chuyển dần sang CBN, mang lại hiệu ứng an thần và nhẹ nhàng.
Theo thời gian, các hạt nhựa sẽ chuyển dần từ trong suốt đến trắng đục và cuối cùng là ngả vàng, nếu bạn muốn búp cần của mình có hiệu ứng mạnh, hãy thu hoạch khi hầu hết các hạt nhựa có màu trắng đục, còn nếu bạn muốn có hiệu ứng thư giãn, hãy thu hoạch khi hầu hết các hạt nhựa ngả vàng. Mỗi hạt nhựa sẽ chuyển màu vào các thời điểm khác nhau, vậy nên bạn chỉ có thể lựa chọn thu hoạch khi đa số hạt nhựa đạt màu mong muốn chứ không thể chờ toàn bộ nhựa đạt cùng một màu.
Khi bạn đã chọn được thời điểm phù hợp, chúng ta sẽ tiến hành thu hoạch. Công đoạn này tương đối đơn giản, bạn chỉ cần cắt rời từng cành và tỉa hết lá rồi treo ngược trong lều để phơi khô, lưu ý cần có luồng không khí lưu thông trong lều để tránh bị mốc. Khi phơi, bạn cần lưu ý điều chỉnh độ ẩm, nếu quá cao sẽ dễ bị mốc, nếu quá thấp, búp hoa sẽ bị khô nhanh và ảnh hưởng tới mùi vị khi sử dụng. Thời gian phơi tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nếu nơi bạn canh tác có độ ẩm quá cao (>60%) thì bạn nên tìm các phương án làm giảm độ ẩm, nếu không rất có thể búp sẽ không bao giờ khô được, nếu thời tiết có độ ẩm quá thấp (<40%) thì bạn có thể xem xét các phương án làm tăng độ ẩm để tránh búp khô quá nhanh, tuy nhiên búp khô quá nhanh cũng không gây ảnh hưởng nhiều như búp không khô được Khi bạn phơi đúng cách sẽ giúp búp hoa bảo quản được lâu, không bị mốc và có mùi vị lẫn hương thơm tuyệt vời.
Bạn có thể xác định được mức độ khô hợp lý bằng cách bẻ thử những cành nhỏ nhất trên cây, hãy tìm những cành nhỏ nhất, có đường kính khoảng 2-3mm và bẻ, nếu cành gãy lìa phát ra tiếng gãy giòn giã thì búp đã đủ khô, nếu cành không gãy lìa và không có tiếng gãy thì búp vẫn còn quá ẩm. Sau khi búp đủ khô, chúng ta sẽ cắt rời búp khỏi cành để cất vào lọ kín khí và bắt đầu công đoạn ủ, kết thúc một vụ canh tác thành công. Khi bạn phơi và ủ đúng cách, búp hoa cần sa khi sử dụng sẽ không bị gắt, mùi vị và hương thơm và hiệu lực sẽ mạnh hơn.
Canh tác cần sa đòi hỏi sự kiên nhẫn, siêng năng và sẵn sàng học hỏi. Đừng nản lòng trước những thất bại ban đầu, vì mỗi thất bại có thể dạy cho bạn điều gì đó mới mẻ và kiến thức bạn thu được sẽ góp phần vào thành công trong tương lai!
Chúc bạn may mắn!
Trở thành Đại lý phân phối các sản phẩm có trên B2B Việt Nam: Bạn muốn phân phối các sản phẩm có trên nền tảng của chúng tôi? Liên hệ ngay để cài đặt tài khoản Đại lý.