Tầm quan trọng của hệ vi sinh trong canh tác cần sa

Khi canh tác cần sa, hầu hết mọi người thường chỉ quan tâm tới hàm lượng dưỡng chất trong phân bón, độ sáng của đèn và nhiệt độ môi trường, nhưng có một yếu tố quan trọng không kém lại ít khi được lưu ý đúng mực, đó chính là hệ vi sinh vật trong đất.

Bạn có biết rằng mỗi gram đất có thể chứa tới vài tỉ vi sinh vật sống không? Những vi sinh vật này đến từ rất nhiều chủng loài và đóng các vai trò khác nhau, chúng chung sống cùng nhau, bảo tồn và cân bằng lẫn nhau giúp tạo ra một hệ sinh thái ổn định trong đất. Trải qua hàng trăm triệu năm tiến hóa, thực vật đã học được cách sống chung với các loài vi sinh vật trong đất và tận dụng được năng lực của chúng, có thể nói nếu không có các loài vi sinh vật, thực vật đã không thể tồn tại trên trái đất. Các phương pháp canh tác hiện đại bằng các loại phân bón vô cơ đã hủy hoại hệ vi sinh trong đất, nhưng với làn sóng canh tác hữu cơ đang nở rộ, hệ vi sinh vật trong đất đang quay trở lại để hỗ trợ và bảo vệ cây trồng.

Vậy chức năng của hệ vi sinh trong đất là gì?

Phân giải các chất hữu cơ thành dưỡng chất cho cây trồng.Đa phần các loài vi sinh vật trong đất tồn tại bằng cách ăn các chất hữu cơ (bao gồm cả lá, cành của cây rụng xuống đất), các chất hữu cơ này sẽ được phân giải và thải trở lại đất dưới dạng dưỡng chất cho cây trồng. Nhờ chức năng này của hệ vi sinh, chúng ta có thể liên tục tái sử dụng một hỗn hợp đất trồng hữu cơ, sau mỗi vụ thu hoạch, chúng ta chỉ lấy đi phần búp và trả lại toàn bộ lá, cành, rễ, ..v.v. cho đất nên hàm lượng dưỡng chất mất đi là không đáng kể.

1. Tương tác với cây trồng

Rất nhiều loài vi sinh vật có mối quan hệ cộng sinh với cây trồng, một số loài bám vào bộ rễ và mở rộng phạm vi hấp thụ dưỡng chất cho cây, một số loài giúp phân giải những dưỡng chất cần thiết theo nhu cầu của cây. Ở chiều ngược lại, cây trồng tiết ra các chất khác nhau để nuôi dưỡng và kích thích các loài vi sinh vật có lợi này, thậm chí cây trồng còn có khả năng tác động đến các quần thể vi sinh vật khác nhau theo từng giai đoạn khác nhau để chúng phân giải được đúng lượng dưỡng chất cần thiết cho cây, không thừa không thiếu. Đây chính là lý do cây trồng bằng phương pháp hữu cơ hoặc cây mọc dại ngoài tự nhiên không cần được bón phân theo tỉ lệ chính xác ở từng giai đoạn trong vòng đời, chúng tự lựa chọn thức ăn, tự tạo ra thức ăn và tự ăn, chỉ cần được tưới nước hoặc mưa thường xuyên là đủ.

2. Cân bằng pH đất

Như đã nói bên trên, các vi sinh vật trong đất bảo tồn, cân bằng lẫn nhau và tạo ra một hệ sinh thái ổn định. Chúng ta đã biết cây cần sa đòi hỏi đất trồng có độ pH tương đối ổn định, không chỉ bởi các dưỡng chất được hấp thụ hiệu quả nhất trong khoảng pH đó mà còn bởi các loài vi sinh vật có lợi cho cây cần sa cũng tồn tại trong khoảng pH đó. Khi độ pH của đất thay đổi, hệ vi sinh trong đất cũng thay đổi, rất nhiều loài sẽ biến mất và được thay thế bằng những loài thích nghi tốt hơn. Để duy trì một hệ sinh thái ổn định, các loài vi sinh vật phải bảo tồn lẫn nhau, nhiều loài trong số đó có khả năng nâng hoặc hạ độ pH của đất khi có sự cố xảy ra, và rất có thể cây cần sa cũng đóng một vai trò khá lớn trong việc kích thích hoặc ức chế những loài vi sinh vật này. Vậy nên khi sử dụng một hỗn hợp đất trồng hữu cơ có hệ vi sinh phát triển đầy đủ, chúng ta không cần quá quan tâm tới độ pH của nước tưới, chỉ cần dùng nước trung tính, không quá kiềm hoặc quá axit là được, hệ vi sinh sẽ giúp chúng ta cân bằng độ pH theo nhu cầu của cây.

3. Bảo vệ cây trồng

Nhiều nhà canh tác chuyên nghiệp cho rằng những cây cần sa được tiếp xúc với đất giàu vi sinh vật từ khi nảy mầm có khả năng chống chịu tốt hơn khi lớn lên nhờ hệ miễn dịch được cải thiện trong suốt vòng đời. Dù nhận định này là đúng hay sai thì việc những cây được canh tác theo phương pháp hữu cơ ít sâu bệnh hơn hẳn so với những cây được canh tác theo phương pháp vô cơ là không thể chối cãi. Hiện tượng này cũng có thể được giải thích bằng hệ vi sinh trong đất, một khi hệ vi sinh đã phát triển đến mức cân bằng và ổn định, các vi sinh vật ngoại lai sẽ rất khó để tham gia vào chuỗi thức ăn, hay nói cách khác là rất khó để xâm nhập vào đất và gây hại cho cây trồng, chúng sẽ bị các vi sinh vật có sẵn trong đất tiêu diệt hoặc bị cạnh tranh thức ăn dẫn đến tuyệt chủng.

Kết luận

Với các chức năng trên, có thể thấy hệ vi sinh trong đất là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất của quy trình canh tác cần sa. Quan điểm của những người canh tác cần sa hữu cơ chuyên nghiệp là phải bảo vệ hệ vi sinh trong đất bằng mọi giá, vì hệ vi sinh mới là thứ trực tiếp nuôi dưỡng cây trồng chứ không phải chúng ta. Hãy bảo vệ hệ vi sinh bằng cách thường xuyên bổ xung chất hữu cơ (thức ăn cho hệ vi sinh) vào đất, tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm và nói KHÔNG với các loại phân bón vô cơ, chỉ cần làm tốt ba việc đó, hệ vi sinh sẽ lo phần còn lại cho bạn.

Trở thành Đại lý phân phối các sản phẩm có trên B2B Việt Nam: Bạn muốn phân phối các sản phẩm có trên nền tảng của chúng tôi? Liên hệ ngay để cài đặt tài khoản Đại lý.

Kiến thức liên quan:

Canh tác cần sa

Để lại bình luận

Tất cả bình luận sẽ được B2B Alice Seeds® duyệt trước khi đăng