Những Yếu Tố Khiến Cây Cần Sa Lưỡng Tính

Qua bài viết Những điều bạn nên biết về cây cần sa lưỡng tính, chúng ta đã phần nào xác định được bản chất và hướng xử lý khi cây cần sa của bạn trở thành lưỡng tính, tuy nhiên tìm hiểu về nguyên nhân để phòng tránh ngay từ đầu vẫn là phương án tối ưu nhất cho vấn đề này. 

Như các bạn đã biết, tình trạng lưỡng tính hầu như không thể xảy ra với các giống cần sa thương mại hiện đại (khi hạt giống được mua từ những nguồn uy tín), tuy nhiên nếu người canh tác không đảm bảo được môi trường sinh trưởng hợp lý—đem đến những stress không đáng có—cho cây, “tính năng” lưỡng tính của cây sẽ được kích hoạt.

Những yếu tố gây stress cần phải tránh để cây cần sa không trở thành lưỡng tính trong giai đoạn ra hoa

1. Chu kỳ ánh sáng không ổn định

Chu kỳ ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến các giai đoạn phát triển của cây cần sa, đặc biệt là giai đoạn ra hoa. Bạn phải đảm bảo cây nhận được thời gian chiếu sáng đều đặn mỗi ngày, chu kỳ ánh sáng không ổn định sẽ gây stress rất lớn lên cây, và đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cây bị lưỡng tính.

Thông thường chu kỳ ánh sáng không ổn định đến từ những vấn đề chúng ta ít chú ý như lọt sáng hoặc chập điện, ..v.v… Trước mỗi vụ canh tác bạn phải kiểm tra thật kỹ không gian canh tác của mình để loại trừ khả năng này, hãy chú ý xem lều/phòng trồng của bạn có khe hoặc lỗ hở nào khiến ánh sáng bên ngoài lọt vào hay không, các thiết bị điện có đèn báo nào chưa được dán kín không và liệu đèn có đôi khi bật sáng bất ngờ giữa đêm do các vấn đề về hệ thống điện không. Nếu xác định được hay nghi ngờ bất cứ thứ gì, hãy xử lý triệt để trước khi bắt đầu canh tác.

2. Nhiệt độ môi trường không phù hợp

Ngoài tự nhiên, cần sa ra hoa vào mùa thu, khi thời tiết dần trở nên mát mẻ, chúng ta cần tái tạo lại môi trường này khi canh tác trong nhà. Nếu nhiệt độ phòng/lều trồng trở nên quá cao trong giai đoạn ra hoa, tình trạng lưỡng tính rất dễ xảy ra. Ngoài ra, nhiệt độ phòng trồng quá thấp khi đèn tắt, hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa thời điểm đèn bật và đèn tắt quá lớn cũng có thể gây nên tình trạng lưỡng tính.

Để phòng tránh yếu tố stress này, bạn hãy sử dụng những thiết bị làm mát/ấm phòng trồng như điều hòa và máy sưởi để duy trì nhiệt độ trong ngưỡng phù hợp cho cây cần sa (18-28°C).

3. Đèn trồng cây quá sáng (hoặc đặt quá gần cây)

Dư thừa ánh sáng dẫn tới tình trạng cháy sáng, biểu hiện của vấn đề này là những lá cao nhất nhạt màu dần hoặc xuất hiện đốm cháy trên mặt lá. Cháy sáng cũng là một trong những yếu tố phổ biến gây nên tình trạng lưỡng tính trên cây cần sa.

Trên thực tế, hiếm khi vấn đề này đến từ việc người canh tác sử dụng đèn có công suất quá cao mà thường đến từ việc đèn được treo quá gần ngọn cây. Trong giai đoạn ra hoa, cây cần sa phát triển chiều cao rất nhanh nên việc ngọn cây mọc quá gần đèn rất hay xảy ra, vậy nên để phòng tránh yếu tố này, bạn hãy liên tục kiểm tra và điều chỉnh chiều cao của đèn để đảm bảo khoảng cách thích hợp với ngọn cây trong toàn bộ giai đoạn ra hoa.

4. Thu hoạch quá muộn

Nếu cây cần sa cái ra hoa quá lâu mà không được thụ phấn, cây sẽ mọc hoa đực để tự thụ phấn nhằm đảm bảo nguồn gen được tiếp nối đến thế hệ sau, đây chính là “tính năng” của loài thực vật này. Vì vậy vào cuối giai đoạn ra hoa, hãy liên tục kiểm tra búp hoa để xác định thời điểm thu hoạch thích hợp nhất, tránh để cây ra hoa quá lâu.

Tuy nhiên, tình trạng này thường không phải do người canh tác thu hoạch quá chậm mà do các vấn đề stress khác khiến búp hoa không chín đúng thời điểm, dẫn đến việc kéo dài giai đoạn ra hoa, và cây sẽ biểu hiện lưỡng tính trước khi búp có thể thu hoạch được. Vì lý do này, chúng ta phải phòng tránh cả những yếu tố gây stress lớn khác nếu không muốn tình trạng lưỡng tính xảy ra.

5. Những yếu tố stress lớn khác

Những yếu tố stress lớn bao gồm thiếu/thừa dưỡng chất, tưới quá ít/quá nhiều nước, thối rễ, tổn thương lớn trên cây (gãy cành, mất quá nhiều lá, ..v.v…), sâu bệnh hại, độ pH giá thể không phù hợp. Những yếu tố stress này có thể không trực tiếp gây nên tình trạng lưỡng tính, nhưng vẫn đóng góp không nhỏ vào tình trạng lưỡng tính ở cây cần sa.

Trong giai đoạn sinh trưởng, cây cần sa có thể phục hồi tương đối tốt sau khi những yếu tố stress này được xử lý triệt để, nhưng trong giai đoạn ra hoa thì mọi việc không đơn giản như vậy, do đó bạn phải thực sự cẩn thận để không mắc phải bất cứ sai lầm nào trong giai đoạn ra hoa. 

Cách duy nhất để giải quyết triệt để được tất cả những yếu tố stress trên là liên tục học hỏi và tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ canh tác, dần dần chúng ta sẽ thiết kế được một môi trường, quy trình canh tác hoàn hảo, tránh được mọi yếu tố stress lên cây ngay từ khi bắt đầu.

Kết luận

Bạn nên nhớ rằng, ngay cả khi chúng ta thực hiện được mọi thứ một cách hoàn hảo, rủi ro một cây cần sa trở thành lưỡng tính vẫn luôn hiện diện, cho dù là ở một tỷ lệ rất nhỏ. Lưỡng tính là một "tính năng"của cây cần sa, dù muốn dù không, chúng ta sẽ không thể nào loại bỏ hoàn toàn được rủi ro này. Vậy nên, nếu gặp phải một cây lưỡng tính, hãy đón nhận nó một cách vui vẻ, hãy học bài học canh tác mà nó dạy cho ta, và hãy tiếp tục hành trình canh tác cần sa của mình bằng một vụ canh tác mới. Chúc các bạn thành công! 

Trở thành Đại lý phân phối các sản phẩm có trên B2B Việt Nam: Bạn muốn phân phối các sản phẩm có trên nền tảng của chúng tôi? Liên hệ ngay để cài đặt tài khoản Đại lý.

Kiến thức liên quan:

Canh tác cần saHạt giống cần sa

Để lại bình luận

Tất cả bình luận sẽ được B2B Alice Seeds® duyệt trước khi đăng