Đối với những người mới bắt đầu canh tác cần sa, trở ngại lớn nhất thường đến từ quá trình gieo hạt. Nếu bạn không thể làm hạt giống của mình nảy mầm, hãy tham khảo ngay cẩm nang này của chúng tôi nhé!
Tại sao hạt của bạn không nảy mầm?
1. Hạt không được bảo quản tốt
Hạt giống cần sa luôn được các ngân hàng hạt giống bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn, vậy nên vấn đề bảo quản thường đến từ người dùng. Nếu bạn gieo hạt ngay sau khi mua thì có thể bỏ qua mục này, nhưng nếu bạn không gieo hạt ngay thì rất có thể nguyên nhân hạt không nảy mầm được là do bảo quản trong điều kiện không phù hợp.
Trong ngắn hạn (dưới 1 năm), bạn chỉ cần bảo quản hạt trong hộp kín sáng và kín khí, đặt hộp ở nơi có nhiệt độ ổn định, tránh được những yếu tố tác động từ môi trường (ví dụ: ngăn kéo tủ). Trung hạn (dưới 5 năm), bạn cần đặt hộp hạt sâu trong ngăn mát tủ lạnh để duy trì nhiệt độ thấp (4-8℃) và tránh nhiệt độ dao động mỗi lần đóng, mở tủ lạnh ảnh hưởng tới hộp hạt. Dài hạn (5-10 năm), hộp hạt nên được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, bạn cũng cần đặt sâu trong ngăn đá để tránh dao động nhiệt độ như khi bảo quản trung hạn.
2. Độ ẩm không phù hợp
Hạt giống cần một lượng nước vừa đủ để nảy mầm, quá nhiều nước sẽ khiến hạt úng còn quá ít nước sẽ khiến quá trình nảy mầm dừng lại và làm chết hạt. Xác định được lượng nước vừa đủ đòi hỏi kinh nghiệm của người canh tác, nhưng những người mới canh tác hoàn toàn có thể thực hiện được bước này. Hãy tham khảo phương pháp gieo hạt bằng khăn giấy ẩm trong một bài viết khác của chúng tôi, bạn sẽ được hướng dẫn cách duy trì độ ẩm thích hợp trong giai đoạn nảy mầm.
3. Nhiệt độ không phù hợp
Cũng như độ ẩm, nhiệt độ môi trường đóng vai trò xúc tác quá trình nảy mầm của hạt. Khi hạt giống được cấp ẩm và nhiệt độ môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp, quá trình nảy mầm sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Nhiệt độ nảy mầm tối ưu nằm trong khoảng 22-25℃ và có thể mở rộng trong khoảng 20-28℃ (nhiệt độ phòng), tuy nhiên nhiệt độ nằm ngoài khoảng này sẽ khó có thể kích thích hạt nảy mầm.
4. Bộ rễ bị tổn thương
Nếu bạn cho hạt nảy mầm bằng phương pháp khăn giấy ẩm, bạn phải thật sự khéo léo chuyển hạt từ khăn giấy vào chậu đất sau khi hạt bén rễ. Rễ non của hạt rất dễ bị tổn thương và chưa có khả năng phục hồi tốt như cây trưởng thành, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể gây nên cái chết cho hạt. Nếu bạn chưa thực hiện bước này bao giờ, chúng tôi khuyến khích sử dụng nhíp để gắp hạt thay vì cầm hạt trực tiếp bằng tay.
5. Chôn hạt quá sâu
Dù gieo hạt bằng phương pháp nào đi nữa, nguyên tắc bạn luôn phải tuân thủ là không được chôn hạt quá sâu. Chôn hạt quá sâu sẽ khiến hạt không tiếp cận đủ oxy gây nên tình trạng úng, thối hạt. Độ sâu thích hợp là 3-4cm, bạn nên đánh dấu độ sâu trên đầu một chiếc đũa và dùng để đào hố chôn hạt, cách làm này sẽ đảm bảo được độ sâu chính xác cho hố đào. Ngoài ra, sau khi chôn hạt xuống hố, bạn cũng chỉ nên gạt nhẹ đất xung quanh xuống hố, không được nén chặt đất, đủ để phủ kín hạt là được, lý do cũng là đảm bảo oxy có thể đi xuyên qua mặt đất và tiếp xúc được với hạt.
6. Hỗn hợp đất không phù hợp
Hạt mới nảy mầm và cây non thường không hấp thụ được hàm lượng lớn dưỡng chất như cây trưởng thành, vậy nên một vài nguyên liệu trong hỗn hợp đất của bạn có thể không phù hợp với giai đoạn gieo hạt. Khi sử dụng hỗn hợp đất trồng hữu cơ cơ bản, bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề này, tuy nhiên nhiều người mới bắt đầu canh tác có xu hướng bón các phụ gia giàu dưỡng chất khá sớm, gây ra tình trạng cháy dinh dưỡng. Bạn hãy ghi nhớ rằng: cây non không cần dưỡng chất trong ít nhất vài tuần đầu tiên.
7. Hạt chất lượng thấp
Nếu hạt giống của bạn được mua từ những ngân hàng hạt giống uy tín thì bạn có thể bỏ qua mục này vì các nhà sản xuất có quy trình làm việc rất khắt khe cũng như những giống của họ có nguồn gen cực kỳ ổn định, hai yếu tố này đảm bảo cho chúng ta tỉ lệ nảy mầm gần như tuyệt đối nếu quy trình gieo hạt được thực hiện tốt. Hạt chất lượng thấp thường là những hạt có trong búp hoa, hay tệ hơn là những thế hệ f1 f2 của những hạt này được sản xuất bởi những người trồng nghiệp dư. Đây không phải là cách những ngân hàng hạt giống sản xuất hạt, vì thế chất lượng hạt cũng như nguồn gen không thể được đảm bảo.
Những hiểu lầm thường gặp về hạt giống
1. Bạn có thể xác định chất lượng hạt thông qua ngoại hình?
Trên mạng có rất nhiều thông tin về việc xác định tỉ lệ nảy mầm, giới tính hay thậm chí là chất lượng vụ thu hoạch thông qua ngoại hình của hạt (độ lớn, màu sắc, vân, ..v.v..), tuy nhiên đây chỉ là những kinh nghiệm được truyền lại từ những nhà canh tác đời đầu. Trên thực tế, những kinh nghiệm này không thể áp dụng được cho hạt giống ngày nay với nguồn gen đa dạng và ổn định hơn trước rất nhiều. Hạt của những giống khác nhau có thể có ngoại hình cực kỳ khác nhau, vậy nên hạt to hay hạt bé, sẫm màu hay nhạt màu, nhiều vân hay ít vân, … không thể nói lên chất lượng của hạt như trước kia.
2. Hạt có trong búp hoa cần sa là lựa chọn hợp lý cho những người mới canh tác?
Như đã đề cập, hạt có trong búp hoa cần sa là loại hạt chất lượng thấp hơn hạt của những ngân hàng hạt giống. Loại hạt này có tỉ lệ nảy mầm rất thấp và thường đến từ những cây lưỡng tính, vậy nên hoàn toàn không phù hợp với những người mới canh tác. Lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người là mua hạt từ những nguồn uy tín để đảm bảo chất lượng đồng đều, từ đó chúng ta sẽ dễ dàng xác định và xử lý sự cố gặp phải trong quá trình canh tác.
Canh tác cần sa là một hành trình học tập, đừng nản chí khi gặp phải vướng mắc trong quá trình canh tác, bạn sẽ luôn tìm thấy phương án giải quyết cho mọi tình huống nếu bạn cố gắng. Chúng tôi hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ có đủ kiến thức để thực hiện gieo hạt thành công và bước đến những mốc tiếp theo trong hành trình của mình.
Trở thành Đại lý phân phối các sản phẩm có trên B2B Việt Nam: Bạn muốn phân phối các sản phẩm có trên nền tảng của chúng tôi? Liên hệ ngay để cài đặt tài khoản Đại lý.